Thông điệp của Trung Quốc trong cách trả đũa thuế quan Mỹ

Lựa chọn thời điểm và quy mô đáp trả thuế nhập khẩu của Mỹ cho thấy thiện chí đàm phán của Trung Quốc, theo chuyên gia.

Ngày 4/2, sắc lệnh áp thuế 10% toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Vài phút sau, Trung Quốc thông báo áp thuế 15% lên than đá, khí hóa lỏng (LNG) và 10% với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô từ Mỹ, kể từ 10/2. Nước này đồng thời sẽ siết xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng và điều tra hoặc nhắm mục tiêu trừng phạt một số doanh nghiệp Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc từng đối đầu kinh tế dưới hình thức thuế quan trả đũa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Lần phản ứng này, việc lựa chọn thời điểm và quy mô đáp trả mang đến thông điệp muốn hạ nhiệt căng thẳng của Bắc Kinh, theo phân tích của một số chuyên gia.

Kinh tế trưởng về Trung Quốc Lynn Song tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cho rằng lựa chọn thời điểm hiệu lực vào tuần sau dường như cho thấy Trung Quốc muốn tạo cơ hội ngoại giao, tương tự trường hợp của Canada và Mexico.

ảnh minh họa

“Việc hoãn áp dụng thuế quan cho đến ngày 10/2 sẽ cho phép các nhà lãnh đạo cấp cao họp trước thời điểm đó, tạo cơ hội cho cả hai bên lùi lại khỏi bờ vực và hạ nhiệt tình hình”, ông nói với kênh tin tức Al Jazeera của Qatar.

Về quy mô, hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) ước tính thuế bổ sung của Trung Quốc áp dụng cho khoảng 20 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm, so với 450 tỷ USD hàng Trung Quốc đến Mỹ.

“Các biện pháp này khá khiêm tốn, ít nhất so với các động thái của ông Trump và đã được hiệu chỉnh để gửi một thông điệp tới Mỹ”, Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhận định.

Mỹ là nguồn cung cấp dầu thô tương đối nhỏ cho Trung Quốc, chiếm 1,7% lượng nhập khẩu của nước này năm ngoái, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Vào 2024, họ nhập khẩu trung bình 230.540 thùng dầu từ Mỹ mỗi ngày, giảm 52% so với 2023.

Đồng thời, chỉ 5,4% lượng LNG nhập khẩu của nước này đến từ Mỹ, đạt 4,16 triệu tấn, tương đương 2,41 tỷ USD vào 2024. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ thu mua khoảng 10% lượng LNG và 6,4% lượng than Mỹ xuất khẩu năm qua.

Dù vậy, vẫn có một số sức nặng nhất định để thuyết phục Mỹ đàm phán. Việc hạn chế xuất khẩu nhiều khoáng sản và kim loại quan trọng có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp điện tử, quốc phòng, năng lượng tái tạo của Mỹ.

Ví dụ, vonfram được sử dụng để sản xuất vỏ pháo, lớp phủ áo giáp và dụng cụ cắt, trong khi Trung Quốc sản xuất khoảng 80% nguồn cung này toàn cầu năm 2023. Hay như indium là thành phần quan trọng trong sản xuất màn hình điện thoại và TV; còn tellurium, bismuth và molypden thiết yếu với ngành gia công kim loại.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc còn công bố các cuộc điều tra đối với Google của Alphabet; đưa PVH Corp – chủ các thương hiệu bao gồm Calvin Klein – và công ty công nghệ sinh học Illumina vào danh sách có khả năng bị trừng phạt. Xe tải điện nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ bị áp thuế 10%, có khả năng ảnh hưởng đến mẫu Cybertruck của Tesla.

Đánh giá chung, Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixis tại Hong Kong cho rằng quy mô phản ứng của Trung Quốc lần này tương đương với hồi 2018, nhưng theo cách khác.

“Lần này, đó là sự kết hợp giữa thuế quan đối với các sản phẩm mục tiêu, kiểm soát xuất khẩu và hạn chế tiếp cận thị trường. Điều đó có nghĩa Trung Quốc đang sử dụng vai trò là một trong những thị trường và nhà sản xuất lớn nhất thế giới để mặc cả với Mỹ”, ông phân tích.

Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết nước này hy vọng Washington sẽ hợp tác với Bắc Kinh để đảm bảo mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững.

Julien Chaisse, Giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng diễn biến tiếp theo phần lớn phụ thuộc vào cách ông Trump nhìn nhận về phản ứng của Trung Quốc. “Nếu ông Trump coi đây là thách thức trực tiếp, Nhà Trắng có thể đáp lại bằng các bổ sung hạn chế thương mại. Điều này sẽ làm tăng xung đột”, ông nói.

Một cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo hai nước được xem là chìa khóa cho khả năng nới lỏng hoặc trì hoãn thuế quan, giống như các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo Mexico và Canada hôm 3/2.

Tuy nhiên, hôm thứ ba (4/2), ông Trump cho biết không vội thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để cố gắng xoa dịu cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Điều đó ổn thôi”, ông bình luận về các khoản thuế trả đũa của Trung Quốc.

Vào nhiệm kỳ đầu, ông khởi xướng một cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm với Trung Quốc vì thặng dư thương mại của nước này với Mỹ. Trong khi đó, lý do lần này là cáo buộc Bắc Kinh không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ.

Ông Trump cho biết có thể tăng thêm thuế trừ khi Bắc Kinh ngăn chặn được dòng fentanyl. Phía Trung Quốc nói fentanyl là vấn đề của Mỹ và cho biết sẽ kiện lên WTO nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia”.

Theo Oxford Economics, thương chiến chỉ mới bắt đầu nên khả năng có thêm các mức thuế khác là rất cao. Gary Ng của Natixis đánh giá ngay cả khi hai nước có thể nhất trí về một số vấn đề, vẫn có khả năng thuế quan được sử dụng như công cụ thường xuyên, trở thành nguồn cơn chính gây ra biến động thị trường năm nay.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các chính sách bảo hộ gia tăng có thể ảnh hưởng đến đầu tư và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. “Vì lợi ích của mọi người, chúng ta cần tìm ra những cách mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng và tạo điều kiện cho thương mại”, tổ chức này kêu gọi.

Tác giả: Phiên An (theo Reuters, Al Jazeera)
Nguồn: vnexpress
Thứ năm, 06/02/2025, 06:49 (giờ Việt)