Quyết định gần đây của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc bác bỏ khiếu nại của Hanni – thành viên nhóm NewJeans – về việc bị quấy rối nơi làm việc tại HYBE Labels đã gây ra tranh cãi lớn về bảo vệ quyền lợi của người lao động trong ngành giải trí.
Bộ cho biết vào thứ Tư rằng các nghệ sĩ giải trí, bao gồm cả các ngôi sao K-pop như Hanni, không thể được coi là người lao động theo Luật Tiêu chuẩn Lao động hiện hành.
Trước đó, người hâm mộ NewJeans đã nộp đơn kiến nghị lên bộ vào giữa tháng 9 với cáo buộc rằng Hanni bị quấy rối nơi làm việc trong công ty mẹ của Ador – công ty quản lý NewJeans.
Hanni cũng từng nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về sự việc này và cáo buộc rằng một quản lý thuộc công ty con khác của HYBE đã chỉ đạo các thành viên “phớt lờ” cô. Trong một phiên điều trần tại Quốc hội vào ngày 15 tháng 10 Hanni đã trình bày rằng “Tôi chắc chắn rằng công ty ghét chúng tôi”.
Thông báo của Văn phòng Lao động và Việc làm Tây Seoul thuộc bộ này đã bác bỏ việc công nhận pháp lý vụ việc là quấy rối nơi làm việc.
“Dựa trên tính chất và điều khoản của hợp đồng quản lý của Hanni rất khó để coi cô ấy là người lao động theo luật pháp Hàn Quốc vốn định nghĩa người lao động là người có mối quan hệ phụ thuộc với một người sử dụng lao động để cung cấp lao động và nhận lương” văn phòng này giải thích.
Theo Luật Tiêu chuẩn Lao động người lao động được định nghĩa là “người cung cấp lao động cho một doanh nghiệp hoặc nơi làm việc để nhận lương bất kể loại nghề nghiệp” và trường hợp của Hanni được xem là khác biệt.
Bối cảnh pháp lý
Các chuyên gia không bất ngờ trước quyết định của bộ và cho rằng điều này phản ánh các cách hiểu pháp lý lâu nay về tình trạng của nghệ sĩ giải trí.
“Những hợp đồng theo Luật Tiêu chuẩn Lao động tập trung chủ yếu vào ‘mối quan hệ phụ thuộc và sự đền bù'” luật sư lao động Kim Hyo-shin nhận định. “Trong trường hợp của Hanni hợp đồng quản lý của cô ấy thể hiện quan hệ bình đẳng giữa hai bên thực hiện nghĩa vụ lẫn nhau điều này làm yếu đi các cáo buộc về mối quan hệ phụ thuộc hay sự giám sát từ công ty”.
Kim nhấn mạnh rằng các nghệ sĩ hoạt động trong một môi trường đặc thù không giống như các cấu trúc hay hệ thống nơi làm việc thông thường điều này có thể đã ảnh hưởng đến phán quyết của bộ.
“Hanni không bị ràng buộc bởi các chính sách nội bộ hay hệ thống thường áp dụng cho nhân viên. Giờ giấc làm việc và địa điểm của cô ấy không cố định và chi phí liên quan đến các hoạt động của cô được chia sẻ với công ty. Đây là những điểm khác biệt quan trọng”.
Lịch sử cho thấy các tòa án Hàn Quốc thường xem hợp đồng giải trí là hợp đồng dân sự chứ không phải hợp đồng lao động. Năm 2010 chính phủ chính thức phân loại nghệ sĩ giải trí là ngoại lệ đối với các quy định lao động thông thường điều này càng củng cố tiền lệ pháp lý.
Kêu gọi thay đổi
Mặc dù có lý do pháp lý các chuyên gia cho rằng quyết định này không giải quyết được những thách thức mà các thần tượng K-pop phải đối mặt trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Các nhà hoạt động đã kêu gọi chính phủ sửa đổi luật lao động để phù hợp với thực tế hiện đại.
“Việc các thần tượng kiệt sức trên sân khấu phản ánh tình trạng của những lao động bị bóc lột khác” Lee Gyeo-re phát ngôn viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc nói. “Chúng ta cần công nhận những người này là lao động theo Luật Tiêu chuẩn Lao động giống như những người làm việc bấp bênh khác”.
Các chuyên gia lao động cũng nhấn mạnh tác động rộng lớn của trường hợp Hanni. Luật sư Park Won-cheol cho biết mặc dù khó có thể coi nghệ sĩ giải trí là người lao động theo luật hiện tại nhưng các phán quyết gần đây cho thấy sự tiến bộ.
“Ngày càng có nhiều tòa án công nhận quyền của các lao động hợp đồng đặc biệt như caddie golf và nhân viên bảo hiểm những người phụ thuộc kinh tế vào công ty mặc dù được xem là nhà thầu độc lập” Park nói.
Thực tế trong một phán quyết lịch sử vào tháng 5 Tòa án Tối cao đã buộc một sân golf và một cấp trên chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối nơi làm việc sau khi một caddie qua đời do tự tử. Tòa án kết luận rằng mặc dù caddie không phải là lao động theo pháp luật nhưng vẫn có thể là nạn nhân của quấy rối nơi làm việc.
Kim cũng nhấn mạnh rằng xã hội cần giải quyết những lỗ hổng trong việc bảo vệ những người làm việc trong các điều kiện lao động phi truyền thống trong môi trường làm việc đang thay đổi và đa dạng hiện nay.
“Hành vi làm tổn hại đến phẩm giá con người tại nơi làm việc là không thể chấp nhận được bất kể tình trạng lao động” Kim nói. “Với những người làm nghề tự do các nhà thầu phụ và những người như Hanni những sự việc như thế xảy ra quá thường xuyên”.
Kim bổ sung rằng cần có sự thay đổi văn hóa đi kèm với cải cách pháp luật. “Chúng ta cần có hệ thống bảo vệ lao động trong các công việc phi tiêu chuẩn nhưng đồng thời cũng cần xây dựng văn hóa nơi làm việc tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.
Tác giả: Pyo Kyung-min
Nguồn: The Korea Times
Thứ 6, 22/11/2024 (Theo giờ Hàn Quốc)
>>> Xem thêm: CEO Ador Min Hee Jin kiện các giám đốc điều hành của Belift Lab vì tội phỉ báng