Vào thứ Sáu, các Big Tech tập đoàn công nghệ lớn đã chỉ trích một luật mới của Úc cấm thanh thiếu niên dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội, cho rằng luật này được thông qua một cách “vội vã.”
Hôm thứ Năm, Úc đã chính thức phê duyệt lệnh cấm mạng xã hội đối với trẻ em. Theo luật mới, các công ty công nghệ lớn như Meta (chủ sở hữu Facebook và Instagram) và TikTok sẽ phải ngăn chặn người dưới tuổi quy định đăng nhập hoặc đối mặt với khoản phạt lên đến 49,5 triệu AUD (32 triệu USD).
TikTok, nền tảng video phổ biến với thanh thiếu niên, đã phát biểu với Reuters vào thứ Sáu rằng lệnh cấm này có thể khiến người trẻ chuyển sang các góc tối hơn của internet.
“Trong tương lai, điều quan trọng là chính phủ Úc cần hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp để giải quyết những vấn đề phát sinh từ quá trình ban hành luật vội vàng này. Chúng tôi muốn cùng nhau giữ an toàn cho thanh thiếu niên và giảm thiểu hậu quả không mong muốn của luật đối với tất cả người dân Úc” đại diện TikTok cho biết.
Chính phủ Úc đã cảnh báo các tập đoàn công nghệ lớn về kế hoạch này từ nhiều tháng trước, và lệnh cấm được công bố lần đầu tiên sau một cuộc điều tra quốc hội hồi đầu năm nay. Trong cuộc điều tra, các bậc phụ huynh đã chia sẻ về việc con em họ tự gây tổn thương bản thân do bị bắt nạt trên mạng.
Đảng Lao động của Thủ tướng Albanese, dù không kiểm soát Thượng viện, đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ phe đối lập bảo thủ để dự luật này được thông qua nhanh chóng.
Dự luật được giới thiệu vào quốc hội vào thứ Năm tuần trước và chuyển đến một ủy ban đặc biệt vào thứ Sáu, nơi các bên quan tâm chỉ có 24 giờ để nộp ý kiến. Luật được thông qua vào thứ Năm trong số 31 dự luật được đẩy nhanh tiến trình trong ngày làm việc hỗn loạn cuối cùng của quốc hội trong năm nay.
Meta chỉ trích luật này, gọi đây là một “quy trình định sẵn.” “Tuần trước, chính ủy ban của quốc hội cho rằng ‘mối liên hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên vẫn chưa rõ ràng,’ trong khi tuần này, báo cáo của ủy ban Thượng viện lại khẳng định rằng mạng xã hội gây hại” Meta tuyên bố vào sáng sớm thứ Sáu.
Công ty mẹ của Snapchat, Snap, cũng cho biết còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Úc từ lâu đã có mâu thuẫn với các tập đoàn công nghệ lớn, phần lớn có trụ sở tại Mỹ. Đây là quốc gia đầu tiên buộc các nền tảng mạng xã hội trả phí bản quyền cho các cơ quan báo chí khi chia sẻ nội dung của họ, và đầu năm nay, Úc cũng tuyên bố sẽ phạt các công ty không ngăn chặn được các hành vi lừa đảo.
Sunita Bose, Giám đốc điều hành của Digital Industry Group – tổ chức đại diện cho phần lớn các công ty mạng xã hội, cho biết hiện không ai có thể giải thích rõ ràng cách thực thi luật này.
“Cộng đồng và các nền tảng đều đang mù mờ về những yêu cầu cụ thể mà luật đặt ra” bà nói.
Một thử nghiệm về phương pháp thực thi sẽ bắt đầu vào tháng 1, và lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào tháng 11 năm 2025.
Nguồn: Reuters
Thứ sáu, 29/11/2024, 13:11 (giờ Anh)
>>> Xem thêm: Indonesia đã cấm bán điện thoại của Google chỉ vài ngày sau khi chặn bán iPhone 16 của Apple