Đầu tư vào Quỹ là xu hướng khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên còn nhiều mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Do đó, khái niệm về Quỹ đối với công chúng vẫn chưa được phổ biến và định nghĩa rõ ràng. Liệu Quỹ có mạo hiểm không? Bạn có đang hiểu đúng về loại hình Quỹ?
Chắc hẳn khán giả không còn xa lạ với chương trình Shark Tank (Thương Vụ Bạc Tỷ), với các “Shark” – những nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalists) đại diện cho các tập đoàn lớn hay Quỹ đầu tư mạo hiểm tên tuổi để “rót vốn” vào những dự án khởi nghiệp (start-up) hay các công ty nhỏ.
Nhờ truyền thông đại chúng, hình thức đầu tư này được biết đến rộng rãi hơn cả, và vô hình chung, điều đó làm khán giả không thể không hiểu lầm hay quy chụp những hình thức đầu tư khác, đặc biệt là “Quỹ đầu tư” với sự mạo hiểm, với việc đó là những tổ chức chỉ chuyên đi đầu tư cho các dự án và công ty nhỏ, và chỉ dành cho những “doanh nhân”, “người giàu”.
Sự suy đoán đó không sai, nhưng cũng không đúng đâu nhé.
Không sai, những đặc điểm vừa liệt kê bên trên thuộc về loại hình “Quỹ đầu tư mạo hiểm” (venture capital) – gọi ngắn là Quỹ mạo hiểm, nhưng đây chỉ là một trong những “thành viên” của gia đình Quỹ, một “gương mặt đại diện” bất đắc dĩ mà thôi. Trong thị trường vốn, định nghĩa về Quỹ còn rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều, nên để tránh hiểu nhầm và bỏ qua những cơ hội phù hợp chỉ vì sợ chúng cũng “mạo hiểm”, cùng tìm hiểu thêm sự khác biệt giữa Quỹ đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm nhé.
Quỹ đầu tư là gì?
Không chỉ bị nhầm với anh bạn Quỹ mạo hiểm đã nhắc trong bài, Quỹ đầu tư (investment fund) còn thường bị các nhà đầu tư “lẫn” với Công ty Quản lý Quỹ. Về mặt chức năng mà nói, Quỹ đầu tư được quản lý bởi các công ty đó và là sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp cho nhà đầu tư.
“Quỹ đầu tư” là một thuật ngữ bao trùm (umbrella term) cho các sản phẩm dịch vụ của một công ty Quản lý Quỹ, cụ thể hơn, đây là một hình thức đầu tư “gộp” (hay góp vốn) giữa các nhà đầu tư trong thị trường tài chính. Các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm từ phía công ty sẽ chịu trách nhiệm tối ưu những danh mục trong các sản phẩm quỹ đó với mục đích giúp người tham gia tiết kiệm công sức và thời gian nghiên cứu thị trường, mà vẫn có thu nhập thụ động.
Các quỹ có danh mục đầu tư khá đa dạng, có thể gồm cổ phiếu, bất động sản, chứng chỉ tiền gửi, vàng, trái phiếu, v.v. Tất cả sẽ được “gộp” lại và quy đổi thành đơn vị chứng chỉ quỹ (CCQ). Qua đó, việc một người sở hữu CCQ đồng nghĩa với việc người đó cũng sẽ gián tiếp sở hữu nhiều loại tài sản khác nhau trong danh mục.
Hiện nay, hai loại hình phổ biến nhất của Quỹ đầu tư là quỹ mở và quỹ đóng, ngoài ra, Quỹ đầu tư cũng được phân chia theo đa dạng tính chất, VD: quỹ ETF, quỹ tương hỗ, quỹ vốn hóa lớn/nhỏ, v.v. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi loại hình sẽ có những yếu tố phù hợp với khẩu vị đầu tư của nhiều người, nên việc chọn lựa sẽ hoàn toàn tùy vào người tham gia.
Quỹ mạo hiểm là gì?
Là một trong những loại hình Quỹ đầu tư, Quỹ mạo hiểm (venture capital) có đặc trưng đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở giai đoạn sớm, phổ biến nhất là các start-up. Những doanh nghiệp này được đánh giá là có tiềm năng rất lớn dù có thể chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, và mục tiêu của các Quỹ mạo hiểm là kỳ vọng họ sẽ phát triển thành các “kỳ lân” và đem lại lợi nhuận tính bằng cấp số nhân. Tuy nhiên, rủi ro của Quỹ này vì thế cũng rất cao vì xác suất thành công của các start-up thông thường rất thấp, và công ty không thành công đồng nghĩa khoản đầu tư cũng sẽ “tan tành mây khói”.
Những nhà đầu tư mạo hiểm của các quỹ có thể tham gia vào các công ty đó dưới nhiều vai trò hoặc vị trí quan trọng theo dài hạn, tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào từ sản phẩm bắt đầu được phát triển hay cho đến lúc đã có một mức doanh thu ổn định. Họ có thể nắm vai trò của những cố vấn kinh doanh, quản lý, cố vấn kỹ thuật, v.v.
Sự tồn tại của những Quỹ mạo hiểm giúp tạo ra nguồn vốn, thúc đẩy sự gia tăng và phát triển về chất lượng và cả số lượng của hệ sinh thái start-up trên thị trường, là những bước đệm cần thiết và là bàn đạp cho nền kinh tế một nước đi lên mạnh mẽ hơn.
So sánh nhanh về hai loại hình Quỹ
Hai loại Quỹ trên đều là những yếu tố “ghê gớm” trong thị trường vốn. Dù có mục tiêu chung là tạo ra lợi nhuận, nhưng cách phân bổ tiền và mức độ rủi ro là những điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất giữa Quỹ đầu tư và Quỹ mạo hiểm: một bên theo kênh truyền thống, ưu tiên giảm thiểu rủi ro, bên còn lại lựa chọn hình thức đặc thù, “được ăn cả, ngã về không”.
Nhìn chung, các Quỹ mạo hiểm thường sẽ chấp nhận mức rủi ro rất cao do đặc tính đầu tư vào các start-up non trẻ; còn các công ty Quản lý Quỹ thì chịu trách nhiệm kiểm soát các khoản tiền của khách hàng cá nhân, tối ưu lợi nhuận đồng thời giảm thiểu rủi ro nhất có thể cho những nhà đầu tư đơn lẻ qua các loại hình Quỹ đầu tư thông thường. .
Ưa mạo hiểm thì chọn Quỹ mạo hiểm sao?
Trên thực tế, chúng ta không thể lựa chọn một hình thức đầu tư cho bản thân chỉ qua tên gọi. Quỹ mạo hiểm tuy có mạo hiểm đấy, nhưng không phải kiểu mạo hiểm mà ai cũng có thể “đu”. Đây là loại hình đặc biệt chỉ dành cho những người thuộc nhóm HNWI (high net worth individuals), giàu – siêu giàu (như hình ảnh các doanh nhân trên Shark Tank), hoặc các ngân hàng, các định chế tài chính có quy mô với điểm chung là tiềm lực tài chính “khủng”. Nếu bạn không nằm trong nhóm này thì không, Quỹ mạo hiểm không phù hợp với bạn.
Nhưng cần chi tìm đâu xa, các sản phẩm Quỹ đầu tư khác cũng có rất nhiều hạng mục với mức độ rủi ro cao kèm với lợi nhuận cao mà không mang cái mác “mạo hiểm”. Khi lựa chọn một loại hình phù hợp, nhà đầu tư nên dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về những ưu nhược điểm, độ tin cậy của công ty quản lý và độ rủi ro hơn là chỉ dừng lại ở cái tên của sản phẩm quỹ đó nhé.
Kết
Trong giới tài chính, chủ đề đầu tư vào các Quỹ cũng đang trở nên nóng dần. Để nắm bắt cơ hội một cách kịp thời và đúng đắn, việc trang bị cho mình thêm kiến thức về các loại hình Quỹ đầu tư khác là rất quan trọng. Thị trường vốn và Quỹ đầu tư rất rộng lớn, sẽ luôn có chỗ phù hợp với nhu cầu đa dạng của từng người, nên đừng vì ngại “mạo hiểm” mà không đầu tư, cũng đừng chỉ vì “mạo hiểm” mà đầu tư vào thứ mình chưa thực sự hiểu. Hãy dành thời gian nghiên cứu thật kỹ để tìm ra phương án tối ưu nhất cho bản thân nhé.