Ukraine muốn gia nhập NATO sau 30 năm từ bỏ vũ khí hạt nhân

Ukraine ngày 5/12 lên tiếng chỉ trích một thỏa thuận từ 30 năm trước, theo đó nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới để đổi lấy các đảm bảo an ninh, nhưng những cam kết đó chưa bao giờ được thực hiện. Kyiv hiện đang nỗ lực mạnh mẽ để giành được lời mời gia nhập NATO nhằm đối phó với nguy cơ bị Nga tấn công thêm lần nữa.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng, Ukraine lo ngại một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến hiện tại có thể khiến nước này rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Bộ Ngoại giao Ukraine đã nhắc đến Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Kyiv từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ, và Anh sau khi Liên Xô tan rã.

Hình ảnh minh họa

“Bản ghi nhớ Budapest ngày nay là minh chứng cho sự ngắn hạn trong các quyết định chiến lược về an ninh,” Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố nhân dịp kỷ niệm thỏa thuận được ký ngày 5/12/1994. Tuyên bố này nhấn mạnh rằng việc xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mà bỏ qua lợi ích của Ukraine sẽ dẫn đến thất bại.

Ukraine đã chỉ trích bản ghi nhớ này từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Các cuộc xung đột tại đây, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn mong manh và nhiều vòng đàm phán theo Hiệp định Minsk.

Sau gần ba năm chiến tranh toàn diện kể từ năm 2022, Ukraine từ chối khả năng quay lại các cuộc đàm phán tương tự, vì lo ngại kịch bản ngừng bắn tạm thời nhưng lại mở đường cho một cuộc tấn công khác của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố:

“Chúng ta không thể lặp lại sai lầm của Bản ghi nhớ Budapest hay Hiệp định Minsk. Hai lần là quá đủ, chúng ta không có quyền để mắc bẫy lần thứ ba.”

Kyiv mong muốn các thành viên NATO sẽ đưa ra lời mời gia nhập tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO, đặc biệt khi Nga đang có những bước tiến trên chiến trường. Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi Mỹ, Anh – những nước ký Bản ghi nhớ Budapest, cũng như Pháp và Trung Quốc – các bên được cho là đã đồng thuận với thỏa thuận này, ủng hộ cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine.

“Chúng tôi tin rằng sự bảo đảm an ninh thực sự duy nhất cho Ukraine, cũng như biện pháp răn đe hữu hiệu trước sự xâm lược tiếp theo của Nga, là việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO” Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định.

Trong khi đó, Nga coi việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận.

Tác giả:  Tom Balmforth
Nguồn: Reuters 
Thứ ba, 03/12/2024, 13:27 (giờ Anh)